top of page

NHẠC TRƯỞNG CHO NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM

Đã cập nhật: 25 thg 12, 2023

NHẠC TRƯỞNG CHO NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM
CẦN LẮM NHẠC TRƯỞNG CHO NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM

Nếu dõi theo sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, mãi đến trước ngưỡng cửa WTO năm 2007, có thể nói năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn ở mức đơn giản. Ở thời điểm đó, các kho hàng tiêu biểu là sử dụng sức người là chính, phương tiện nâng hạ còn rất ít, đến các kho hàng có dock làm hàng cho container còn rất chi tạm và khái niệm về dịch vụ logistics thì phải đến Luật thương mại năm 2005 (Mục 4 - Dịch vụ logistics) mới chính thức có một chỗ đứng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong vòng 5 năm qua tính từ năm 2017 - thời điểm Quyết định 200/QĐ-TTg (ngày 14/02/2007), có một sự chuyển mình rõ ràng và mạnh mẽ của ngành Dịch vụ logistics:

  • Năm 2017, cả nước có khoảng 37.000 doanh nghiệp và tăng lên khoảng hơn 43.000 doanh nghiệp vào năm 2021. Trong đó có khoảng 5.000 doanh nghiệp là cung cấp dịch vụ giao nhận (TPL) liên quan đến quốc tế.

  • Năm 2020, theo xếp hạng theo chỉ số LPI (Logistics Performance Index) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã xếp thứ 39 trong số 160 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá. Năm 2023, Việt Nam tuy xếp thứ tự là 43 nhưng thực ra có 7 nước có cùng mức điểm này với Việt Nam nên không phải là suy giảm năng lực LPI.

  • Về lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, từ năm 2017-2021, tăng trưởng từ 428 tỷ USD lên 668 tỷ USD và dự kiến năm nay sẽ vượt mốc 700 tỷ USD. Đây là nguồn nhu cầu lớn giúp cho ngành dịch vụ logistics tăng trưởng mạnh.

  • Về nguồn nhân lực, hiện nay có khoảng hơn 50 trường đại học trong nước đã có mã ngành, chuyên ngành đào tạo về logistics và khoảng hơn 60 trường cao đẳng đã có hoạt động đào tạo liên quan tới lĩnh vực này.

Và một trong những trăn trở của thời kỳ mình cùng các Anh chị trong Ban soạn thảo cho đề án làm cơ sở cho Quyết định 200/QĐ-TTg chính là: cần một nhạc trưởng để dẫn dắt hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh logistics Việt Nam.

Ở thời điểm đó, đề xuất của các Anh trong Ban soạn thảo là Đề xuất Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đóng vai trò "nhạc trưởng" do công tác logistics có liên quan đến nhiều Bộ - Ban - Ngành lắm (Bộ giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT,..), phải có đủ ban bệ mới có tiếng nói chung được.

Và đến nay, vào ngày 16/12/2022, nghị quyết 163/NQ-CP đã chính thức hóa VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM và xác định giao trách nhiệm tổng điều phối hoạt động logistics cho Bộ Công Thương.

Đây là một quyết định mạnh dạn, tích cực và dứt điểm câu hỏi lơ lửng "Ai là nhạc trưởng cho dàn nhạc logistics Việt Nam?". Câu hỏi là, vì sao cần vai trò này?


VÌ SAO CHÚNG TA CẦN NHẠC TRƯỞNG CHO NGÀNH LOGISTICS?

1. Quy hoạch

Quyết định số 1012/QĐ-TTg (ngày 03/7/2015) của Thủ tướng Chính phủ đã có đưa ra quy hoạch cho các Trung tâm dịch vụ logistics trên cả nước. Quyết định đó có giao trách nhiệm cho các Bộ - Ban - Tỉnh.. nhưng lại giao chung chung nên không rõ ai chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm phần nào, mà các quyết định liên quan đến quy hoạch logistics lại liên quan đến nhiều đơn vị:

  • Bộ Giao Thông vận tải: trong xác định quy hoạch giao thông - đường sá, cảng biển, sân bay..

  • Bộ Tài Chính: liên quan đến bố trí vốn, kiểm tra, giám sát

  • Bộ GD&ĐT: liên quan đến quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực,..)

Thế nên, ví dụ chuyện logistics cho thị trường Đồng bằng Sông Cửu Long, hầu như năm nào cũng lặp đi lặp lại những câu chuyện cũ: hạ tầng thiếu và yếu, nhưng ai làm và khi nào làm, làm có phù hợp với nhu cầu chưa.. thì vẫn thiếu một nhạc trưởng đứng ra chịu trách nhiệm.

2. Truyền thông

Việc công bố các thông tin liên quan đến hoạt động logistics trong thời gian qua là khá bất ổn:

  • Nhiều đơn vị không có chuyên môn vẫn đứng ra trao các giải thưởng cho doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics (vd: doanh nghiệp logistics uy tín mà đi xếp hạng PVtrans, ACV thì.. không mấy liên quan do đặc thù công tác, không có so sánh apple-to-apple) thì làm sao doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics công nhận;

  • Các con số liệu thống kê liên quan đến ngành logistics vẫn chưa chuẩn (vd: nhiều bài báo trích dẫn công việc logistics là thuộc nhóm lương cao - thật ra là không chuẩn), chưa đúng mà thường chỉ có doanh nghiệp trong ngành hiểu rõ.

Lẽ ra nên có tiếng nói góp ý, phản biện ở góc độ chuyên môn của Ngành logistics để thông tin được chuẩn.

3. Xác lập các tiêu chuẩn cho ngành

Lấy ví dụ ngành Du lịch, có hẳn Tổng cục du lịch để làm cơ quan đầu mối, trong đó có chức năng ban hành các tiêu chuẩn ngành - nghề - chất lượng (nói nôm na: xếp hạng khách sạn).

Còn trong ngành logistics, tính đến nay đã có hàng ngàn kho dịch vụ logistics, mỗi kho đầu tư cũng từ vài chục đến vài trăm tỷ, mà chưa có một quy chuẩn thế nào là kho 5 sao, 4 sao hay 3 sao, từ đó mà chuyện chê giá kho cao mà không tính rằng kho đấy đang theo chuẩn 5 sao.

Tương tự như vậy, cũng chưa có chuẩn mực về nghề nghiệp để biết nhân viên đảm nhiệm vị trí Thủ kho thì cần có tiêu chuẩn gì. Chúng ta đã có tham quan, học hỏi chương trình Au4skill của bên Úc nhưng chuyện ban hành thành tiêu chuẩn chính thức cũng còn là chuyện dài nhiều tập, nên khoảng cách giữa đào tạo và thực tế cũng còn xa lắm.

4. Giải quyết tình trạng "khó quá thì cứ đi kêu cứu Thủ Tướng"

Chẳng hạn, chuyện thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM, sau nhiều luồng ý kiến qua lại thì cộng đồng doanh nghiệp phải "kêu cứu" lên Thủ Tướng thì mới có hướng giải quyết. Mà đến là khổ, Thủ tướng có phải ba đầu sáu tay đâu mà đi giải quyết hết chuyện giải cứu nọ đến giải cứu kia.

Có một cơ quan làm đầu mối thì việc trao đổi, tương tác sẽ được tập trung, đủ sâu, đủ hiểu và đủ khả năng đưa ra quyết định hợp lý vì mục tiêu chung, thay vì quả bóng trách nhiệm cứ chuyền lòng vòng.

Câu chuyện chung mà chúng ta vẫn đang gặp là "Đây không phải là trách nhiệm của (riêng) tôi", và thế là, kể cả những người muốn giải quyết vấn đề nói trên cũng lắc đầu ngán ngẫm vì thiếu "cơ chế".

Nay thì "có mặt, đặt tên" rồi, có gì "đóng cửa bảo nhau cũng được, miễn là còn thuận vợ thuận chồng".. Nên mình tin rằng trong một tương lai không xa, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ nữa.


Trước khi kết thúc, mình lấy một vài con số để chúng ta tiện tham khảo:

  • Trước 2020, ngành du lịch đóng góp khoảng 9-10% GDP trước khi suy giảm mạnh.

  • Kết thúc năm 2022, dự kiến ngành logistics đang ở mức đóng góp 4-5% GDP và với mức tăng trưởng 10-15%/năm, khả năng ngành dịch vụ logistics sẽ nâng dần tỷ trọng đóng góp vào GDP cao hơn nữa trong các năm tới.

Vậy nên, sự chuẩn bị cho tương lai ngay lúc này là hết sức cần thiết để gỡ dần các điểm nghẽn!

Mong một năm 2023 tươi sáng hơn với anh em trong ngành logistics Việt Nam!


Trân trọng và Yêu thương,


 

20 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page