top of page

GENZ: MẤT KẾT NỐI GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI (GENERATION GAP) - VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐANG VÀ SẼ LỚN..

Đã cập nhật: 3 thg 7, 2023

Con gái mình 10 tuổi. Con gái mình bắt đầu gắn kết nhiều hơn với bạn bè. "Vô tình" lắng nghe con nói chuyện với bạn, cũng hiểu ở tuổi teen ấy, cái "sức mạnh gắn kết với bạn bè" nó lớn chừng nào: Ba mẹ gọi không dậy nhưng nói có Bạn gọi điện là thức dậy; Sợ mất mặt với bạn bè nên mới giữ kỷ luật; Vì Bạn bè mà ra đường là cũng ráng có iPhone, trang phục đen vì cả hội thích Black Pink là chỉ có đen và hồng, đứa nào thích BTS thì coi như bị "de"; Rất tự hào vì "cày view mỗi ngày" cho Black Pink. Và mình biết, không sớm thì muộn, con gái sẽ tách khỏi Bố Mẹ để tiến dần vào thế giới tự lập mà trong Thế giới đó, sự ảnh hưởng của Bạn Bè là rất lớn.

Ở tuổi teen đó, các bạn ấy rất sợ bị cô lập, cách ly nên nhiều việc có thể không phải ý thích của Nàng nhưng cũng "hòa nhập" vào tập thể. Những chuyện tốt thì sẽ không Bố mẹ nào cản, nhưng chuyện xấu lại nhan nhản và có nguy cơ lan tỏa cực nhanh trong những nhóm bạn bè này trong bối cảnh 4.0. Mình từng ngồi tại một quán cafe "tụ điểm" sau giờ học của các bạn trẻ một trường Quốc tế tại quận 2 để chứng kiến hết: 4h chiều tan trường, Phụ Huynh chưa đón được, thế là các bạn tụ tập chờ Phụ huynh đón. Các bạn Nam thì chơi Game freefire và chửi nhau ầm ầm, các bạn gái thì ngồi buôn dưa với đủ ngôn từ của người lớn, đủ các từ trong chốn Phòng the. Các bạn có thể học từ trường Quốc Tế, nhưng những ngóc ngách các bạn được học cũng rất bình thường như các bạn trẻ khác, vẫn là một cơ thể lớn nhưng cái tầm nhìn bị giới hạn. Ở cái tuổi mà Tâm sinh lý đang thay đổi, chuyện "nổi loạn" để chứng tỏ bản thân là thường tình.

Hồi xưa hồi mình cấp 2-3, cũng hay nghe bạn bè có đứa "bỏ nhà đi bụi", ngày nay cũng sẽ như thế nhưng ở cấp độ cao hơn, phong phú hơn: game online, game on mobile, nhậu nhẹt, hút cỏ, hút cần, sex, ma túy,.. Mình thường xem TV, Video với các bạn để hiểu khẩu vị của các bạn đang thay đổi như thế nào, và rõ ràng là một dòng chảy nối tiếp nhau: nhỏ thì thích Doremon, Shin bút chì, lớn dần thì Naruto, One Piece, Fairy Tail, lớn hơn thì Hậu Hoàng, Thiên An, Black Pink.. Mà toàn bộ các các film này, không ít thì nhiều, đều có những cảnh "nóng bỏng" và bạo lực. Nên những hạt giống "sắc giới" đó, không ít thì nhiều, đã tiêm nhiễm sẵn vào đầu các bạn trẻ rồi. Và hầu như không có hạt giống nào nói về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, rất ít "hạt giống" nói về lòng hiếu thảo, sự cảm thông với những vất vả của cha mẹ, hiểu được nghề nghiệp/công việc của cha mẹ, khát vọng làm gì đó lớn cho quê hương đất nước..

Chuyển sang một ví dụ có phần cực đoan hơn: vấn nạn tự tử tuổi học sinh. Ở Mỹ, một thống kê được đăng trên #America #Health #Ranking cho thấy năm 2017, có đến 6,200 trường hợp tự tử ở độ tuổi 15-24. Một khảo sát khác vào năm 2019 cho thấy có đến 18.8% học sinh cấp 3 từng suy nghĩ về chuyện tự tử và 8.9% đã từng thử (Nguồn: https://www.americashealthrankings.org/.../teen.../state/ALL) . Ở Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ và số lượng còn ít (theo thống kê chính thức được đăng trên báo cáo của #ODI#Unicef năm 2017 thì tỷ lệ này ở Việt Nam là khoảng 5 vụ/100,000 người (nguồn:https://www.unicef.org/.../T%C3%B3m%20t%E1%BA%AFt%20v%E1...). Những con số ớn lạnh nói trên quanh đi, quẩn lại, thì phần lớn sẽ rơi vào một số nguyên nhân: Bị bạn bè cô lập/thầy cô trù dập, Gia đình lục đục; Cha mẹ nhiều áp lực và không có thời gian dành cho tình yêu thương.. Với mình, Gốc rễ vấn đề chính là sự MẤT KẾT NỐI giữa CHA MẸ với CON CÁI: HAI BÊN KHÔNG HIỂU NHAU, KHÔNG CẢM THÔNG VÀ KHÔNG TRÂN TRỌNG NHAU, KHÔNG DÀNH LỜI YÊU THƯƠNG CHO NHAU MỖI NGÀY..

Kể từ 2007, năm đầu tiên iPhone ra đời, đến nay đã là iP 12. Năm nay chúng ta sẽ nghe về 5G. Thế hệ con cái chúng ta được học tiếng Anh từ năm 3 tuổi, được tiếp cận Internet từ khi chưa biết đọc biết viết, biết về ..ấy ấy từ khi chưa dậy thì, đủ quan sát để biết bạn đó mặc bộ đồ đó, cái ba lô đó giá bao nhiêu. Tốc độ thông tin đang đẩy lên cao hơn rất nhiều so với trước đây mà có lẽ nhiều Bố Mẹ mãi cần cù cày bừa sẽ không bao giờ theo kịp. Nhiều Bố Mẹ vẫn chỉ dừng ở việc đi cày và cho con học càng nhiều càng tốt, mà không kịp chứng kiến những xu hướng lớn đang đổi thay thế giới. Bố Mẹ gửi con vào trường Quốc tế với học phí cao bởi một niềm tin căn bản: học trường Quốc tế --> đi du học --> cơ hội thành công cao. Và các trường Quốc tế cũng luôn thắp sáng khẩu hiệu về một Tương lai tươi sáng vì họ cũng đi bán một giấc mơ. Có mấy ai để ý từ năm 2018, Google, Apple và 12 công ty lớn khác đã chính thức "nổ phát súng": chẳng cần bằng cấp đại học, ai đủ giỏi thì cứ thi tuyển vào (Nguồn: https://www.cnbc.com/.../15-companies-that-no-longer...). Có mấy ai để ý sẽ có những nghề nghiệp bị biến mất? Có mấy ai để ý giáo trình Học tập luôn có độ trễ để Học xong thì Outdate luôn mất rồi? Có mấy ai để ý chuyện định hướng nghề nghiệp quan trọng hơn nhiều chuyện điểm số của Con?

Bản thân mình không có lời giải cho câu hỏi lớn nói trên, vì bản thân mình cũng méo hoàn hảo, cũng phải lo cày bừa, chạy ăn từng bữa, cũng nhiều lần làm con cái buồn lòng. Nhưng mình nhận thức rõ thứ mình đang và sẽ phải trả giá khi con mình vào tuổi Teen nếu sự chuẩn bị chưa đầy đủ. Và mình sẽ làm những việc sau:

1. Dạy con thử những món mà sau này chắc chắn Con sẽ học điều đó từ bạn: chơi điện tử (đã chơi là phải chơi rất giỏi, hoặc không chơi), đánh bi da, uống rượu, hút thuốc,..

2. Khi phù hợp, sẽ dẫn con vào Bệnh viện Phụ sản để hiểu nỗi đau đớn và Vất vả của người Mẹ; Dẫn con vào khu vực cấp cứu để hiểu nỗi đau khi ai đó phải vào phòng này;

3. Dạy con làm người phục vụ nhà hàng, quán ăn, rửa chén.. để cảm nhận công việc lao động.

4. Dạy con cách "đọc vị" con người, phân tích được điểm mạnh/yếu của từng người mà con giao tiếp và từ đó, xác định chiến lược phù hợp.

5. Dạy con cách tự tin thể hiện bản thân và chủ động kết nối với Cha Mẹ. Ít nhất phải có điểm chung với Con thì mới có một sự giao tiếp.

Rồi con sẽ lớn, rồi con sẽ trưởng thành và trở thành người độc lập. Chúc cho Anh chị em đang có Nghề làm Cha Mẹ có một kỳ nghỉ ấm áp cùng gia đình và Con cái mình!


25 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page