top of page

GENZ: TƯ DUY TRONG THỜI ĐẠI SỐ..

Với các Bạn trẻ GenZ trong thời đại số ngày nay, theo quan sát của mình, Áp lực nhiều hơn là Động lực: học phí thì cao gấp 10-20 lần thời của mình, bước ra đường thì bị áp lực từ bạn bè (peer pressure): xe đẹp, áo quần đẹp, flexing các thể loại, đi làm thì lại đúng cảnh “ghế ít, đít nhiều” – lại về trách Bố Mẹ sao không sinh ra con sớm hơn, làm gì cũng sợ sai lầm – sợ tai tiếng – sợ.. mất công. Đúng là, cuộc sống thời đại số, ai bảo sướng chứ đặt vào vị trí các Bạn trẻ ngày nay thì mới cảm nhận được. Áp lực đấy, nhưng luôn có cách với những người chịu đi tìm!



Hòa bình, Hạnh phúc ngày nay được đổi bằng xương máu của nhiều thế hệ trước
Các Bạn GenZ chắc sẽ khó cảm nhận được cuộc sống thế hệ trước

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TƯ DUY HỌC “HỌC DÀI” VÀ “HỌC NGẮN”


TƯ DUY "HỌC DÀI" LÀ SAO?


Năm 1999 mình được làm quen với Internet, được tìm tài liệu trên Google cảm giác sướng vô cùng so với cảnh vô thư viện Bách Khoa tìm sách đọc. Ngày đó, ví dụ như làm bài tập nhóm về chủ đề cụ thể trong Kinh tế vỹ mô, tụi mình sẵn sàng làm theo từng bước: nhập keyword, hiện ra 1 triệu link, click vào 100-200 link, ngó ổn ổn là chốt, copy về word, lưu lại rồi đọc trên máy tính vì tiền Internet tính theo giờ, mắc lắm với sinh viên. Thời mình đi làm năm 2012, chân ướt chân ráo đi làm trong Ngân hàng, được giao đề tài về cải tiến chỉ số cách tính lãi suất nội bộ, cũng phải đọc tài liệu từ khoảng hơn 100 link khác nhau, cả Anh và Việt, để hiểu cho đúng, đầy đủ và xâu chuỗi câu chuyện xem quá khứ thế nào, hiện tại đang ra sao và xu hướng tương lai thế nào. Khi đó, trình bày trước các cấp lãnh đạo mới có thể tự tin nói và chia sẻ được suy nghĩ với các Anh Chị làm trong nghề hơn mình mười mấy năm kinh nghiệm. Cách “học dài” này còn phản ánh ở chuyện các bạn ở tuổi như tụi mình có thể đọc nhiều sách, mỗi sách độ 200-300 trang là bình thường. Đọc dài để còn nói chuyện được với nhau chứ thời đó làm gì có iPhone hỗ trợ khi cần.


Mặt trái của cách học này là: a) sự chậm chạp trong tiêu hóa một kiến thức mới b) bị đóng khung trong những gì mình học được, xem đó là chân lý thì rất dễ bảo thủ, khó chấp nhận cái mới. Nên nhớ, có những điều đã từng đúng trong bối cảnh quá khứ nhưng không chắc là còn đúng trong hiện tại! Mà ác một cái, những người cùng thế hệ X-Y như tụi mình thì đã “fill đầy ghế ít” nói trên, nên sẽ vẫn có tư duy “lãnh đạo luôn đúng, bề dày kinh nghiệm là quan trọng” nên đâu đó sẽ vẫn “giết lầm hơn bỏ sót” những suy nghĩ táo bạo, tích cực.


"TƯ DUY" HỌC NGẮN THÌ THẾ NÀO?


Tiếng Anh là Short-form learning, là học kiểu mất 1 phút coi video là biết được típ/mẹo/cách làm khôn ngoan cho một tác vụ cụ thể nào đó, chẳng hạn như nấu ăn, làm bánh, làm clip chèn phụ đề tự động. Nghĩa là Bạn chẳng cần mất thời gian dài như tụi mình để nạp kiến thức mà chỉ khi nào cần thì “search một phát ăn ngay”. Cheatsheet (bảng tóm tắt kiến thức siêu ngắn gọn, dùng khi đi thi) là keyword phổ biến để Bạn trẻ ngày nay tiếp cận kiến thức. Và cấp độ học ngày nay đã lên đến đẳng cấp như “ChatGPT, viết cho tôi bài luận ABC để dự thi học bổng Amcham nào”. Đã có nhiều bài báo nói về xu hướng này mà Bạn có thể dùng keyword Short-form learning. Xu hướng này có lý do của nó: hãy hình dung cảnh bạn ở các đô thị lớn như Singapore, Bangkok hay Tp.HCM, Bạn mất 1-2 tiếng ngồi trên xe bus/xe điện di chuyển, thì thời gian ngồi trên xe đó có thể tận dụng để học, cần học rất nhanh. Hoặc Bạn là sinh viên đi làm thêm ở nhà hàng, quán cà phê, khi không có khách, Bạn hoàn toàn có thể bật điện thoại lên để học một thứ gì đó mới mẻ, đúng không nè. Đó là bối cảnh mà ở thế hệ mình không có.


Mặc trái của kiểu học ngắn là trạng thái “Biết mà không biết”. Ví dụ, Bạn muốn gây ấn tượng với bạn trai nên khi anh ấy hỏi “Em có biết làm bánh Tiramisu không vì Mẹ anh thích món này lắm?”. “Dễ ẹc, em chưa làm nhưng vì yêu anh thì đó là chuyện nhỏ”. Rồi Bạn chỉ mất vài giây là coi được clip nào hướng dẫn “có nhiều lượt view nhất” hoặc hiển thị đầu tiên trên Google, Tiktok, Youtube, coi xong clip làm bánh Tiramisu, thấy dễ òm và ta dễ có cảm giác “Tôi biết rồi”. Nhưng nếu Bạn không trực tiếp đi chợ, chọn đúng nguyên liệu, cân đo chuẩn chỉnh, nhào nặn nguyên liệu rồi canh giờ nướng .. vài lần thì Bạn sẽ không thể có được cái thành phẩm ngon lành như “nhà người ta”. Nên khi ngày Sinh nhật của Mẹ anh ấy, bạn đã biến cơ hội vàng nói trên thành “Mẹ anh ấy làm chuột bạch”. Một mặc trái khác của người học Short-form là rất sợ hãi những câu hỏi, vì kiến thức nạp quá nhanh nên hỏi xoáy một tí là trôi tuốt tuồn tuột. Thành ra, mình rất trân trọng các bạn trẻ có kiến thức vững vàng, sâu trong lĩnh vực Bạn ấy quan tâm.


SỐNG SAO CHO VỪA LÒNG NGƯỜI THỜI ĐẠI SỐ?


Mình hay gặp các tình huống được các bạn hỏi: “Em đang tham gia cuộc thi về Logistics, Anh có thể cho em vài options ý tưởng không ạ?” hoặc “Em nghe nói Digital Supply chain sẽ rất hot, Anh cho em danh sách một số khóa học chất lượng, có chứng chỉ và…free được không ạ?”. Những câu hỏi trên phản ánh mấy suy nghĩ phổ biến:


ĐỌC NHIỀU LÀM GÌ, ĐI HỎI CHO NHANH


Thời gian của Ai cũng quý, đúng không nè, còn Dùng thời gian đó như thế nào thì lại là chuyện riêng của mỗi người. Chẳng hạn, mình thấy thật vô bổ khi chơi điện tử nhưng nhiều người không cưỡng lại chuyện mất 1-2 tiếng/ngày để chơi. Thế nên, người thông minh luôn tìm cách làm cho mọi việc ngắn nhất, đỡ tốn thời gian nhất, ví dụ như chưa biết thì đi hỏi, mắc gì phải tự đọc 100-200 cái link như thế hệ X-Y? Cứ hỏi một chục ông mà tới 7-8 ông cho ra cùng kết quả thì chắc là phải chuẩn thôi. Thực tế thì câu trả lời phải là TÙY: Bạn cần phân biệt được khi nào thì nên ĐI HỎI, khi nào phải TỰ ĐỌC. (Làm sao để phân biệt được thì tìm đọc chuyện chị Thỏ Nâu nhé).


SỢ SAI NÊN ĐI HỎI CHO CHẮC..


Có thể Bạn tìm được 100-200 cái link thật nhưng Bạn thấy mênh mông quá, mà lại sợ mất mặt nên thôi, cứ đi hỏi trước (vì nó miễn phí mà), sau này còn lý do để đổ thừa “Tại Tôi hỏi ông thầy X, ổng phán vậy và Tôi làm ra kết quả này, nên nếu có lỗi thì ông thầy X có lỗi”. Omo đã từng có chiến dịch “Có Omo, ngại gì vết bẩn” để các em nhỏ có thể dấn thân chơi thỏa thích. Mình cũng mong các Bạn hiểu rằng: các Bạn còn rất nhiều thời gian để học, và phần lớn chúng ta học được nhiều là thông qua Sai lầm, Thất bại.. cho nên, đừng ngại chuyện Sai, quan trọng là rút ra được bài học cho riêng mình.


GENZ CHƯA LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI MÌNH


Các Bạn có may mắn là 7 tuổi có máy labtop, 10 tuổi là xài iPhone nhoay nhoáy, có rất nhiều tiện nghi, tiện ích. Nhưng các Bạn đa phần chưa làm ra tiền (hoặc chưa nhiều tiền) nên sẽ vẫn trong vòng tay hỗ trợ của Cha Mẹ, Anh Em, Họ Hàng. Khi đó, Bạn rất sợ làm sai ý người này, phật ý người kia, thấy thích Bạn gái nọ nhưng phải hỏi 80 câu hỏi kiểu như: “Em theo tôn giáo nào? Bố Mẹ em ra sao? Nhà em có tài sản gì?..” bởi vì Bố Mẹ bạn có lẽ đã thiết lập “hàng rào bảo vệ” kiểu: “Không được quen gái nhà kiểu này, kiểu kia..”. Éc éc.. Tương tự cho câu chuyện việc làm: “Mẹ em muốn em làm Phi công còn Bố em muốn em làm Bác sỹ..”.


Đây là hồng phúc vì Bạn có một bóng cây lớn để che chở nhưng cũng là rủi ro nếu lỡ như bóng cây gặp bão giông. Thế nên, Bạn vẫn phải trả lời cho câu hỏi “Khi nào thì làm chủ được cuộc đời mình?” nghen!


Trân trọng và Yêu thương,


91 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page