top of page

LÀM GÌ ĐỂ CÔNG TY LOGISTICS DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG HAI CHỮ SỐ?

Đã cập nhật: 4 thg 12, 2023

“Công ty Logistics chúng ta có truyền thống tăng trưởng dương 2 chữ số mà năm nay các anh làm ăn cái kiểu gì mà nó chỉ ngót nghét 3-4%?”. Đã đến lúc chúng ta bớt nói về Chuỗi cung ứng (Supply Chain) để hướng tâm trí vào Chuỗi nhu cầu (Demand Chain)!


Đã tới lúc Demand Chain nhận được nhiều sự quan tâm của nhà quản trị
Nhìn nhận theo tư duy Chuỗi giá trị giúp chúng ta đánh giá đầy đủ hơn

MỐI QUAN HỆ SONG HÀNH GIỮA CẦU VÀ CUNG


Trước hết, cần xác định rõ: Nhu cầu (Demand) và Cung ứng (Supply) là 2 mặt của một đồng xu, là một cặp vợ chồng không thể ly hôn, là âm và dương trong triết lý người Á đông. Thế vì sao chúng ta rất thường xuyên nghe về Supply Chain hơn là Demand Chain?

Cung ứng vốn dĩ phức tạp, liên quan đến nhiều bên đối tác và cần thời gian để chuẩn bị. Ví dụ, khi Công ty LEGO được cấp phép đầu tư dự án nhà máy có quy mô 1,3 tỷ USD tại Bình Dương hồi tháng 4/2002 thì lễ khởi công đã được diễn ra hồi tháng 2/2023 và dự kiến đến cuối 2024 mới bắt đầu sản xuất. Quá trình sản xuất cần sự phối hợp với gần 100 nhà cung ứng toàn cầu (xem danh sách NCC của Lego năm 2022 được công bố ở đây).

Tầm quan trọng của cung ứng đã được nhắc lại rất nhiều lần với sự thành bại của các cuộc chiến tranh, của những tấm gương vĩ đại của Walmart, Amazon. Sự cung ứng là một phần không thể thiếu của xu hướng toàn cầu hóa bắt đầu hồi cuối thế kỷ 20 và tiếp tục tăng mạnh trong thế kỷ 21 (tham khảo các tác phẩm của bác Thomas Friedman để nắm về sự tiến hóa của xu hướng toàn cầu hóa). Vì sự phức tạp nói trên, người ta mới dành nhiều nỗ lực tìm các giải pháp nghiên cứu, tối ưu hóa, tự động hóa công tác cung ứng.

Phải đến những biến cố thời Cô vy và hệ lụy kéo dài của nó: đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, hiệu ứng “roi da” (bullwhip effect) gây nên chuỗi phá sản của nhiều thương nhân lâu năm ở Mỹ, sóng thần giá cước logistics bùng lên và tụt lại về mức trước giai đoạn 2020,.. thì khái niệm Chuỗi Nhu cầu (Demand Chain) mới được quan tâm một cách rõ nét về cách chúng ta tư duy lại về quản trị theo Chuỗi giá trị (Value Chain).


CÓ PHẢI CÔNG TY LOGISTICS THÀNH CÔNG NHẤT LUÔN TĂNG TRƯỞNG THEO KẾ HOẠCH?


Quay lại lĩnh vực Logistics, có lẽ công ty Logistics vĩ đại nhất thế giới tính đến thời điểm hiện nay là DHL. Với phạm vi dịch vụ Logistics bao trùm từ dịch vụ chặng cuối (DHL Express, DHL eCommerce) đến chặng giữa (DHL Supply Chain) đến dịch vụ “đầu nguồn” (DHL Global Forwarding), DHL Group là tập đoàn logistics duy trì được tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Tuy được thành lập từ năm 1969 bởi ba doanh nhân Adrian Dalsey, Larry Hillblom and Robert Lynn (tên Tập đoàn là viết tắt từ tên của ba sáng lập viên), tập đoàn không phải chỉ có “con đường màu hồng”: từng suýt phá sản vào năm 1983, thời đỉnh cao công ty cũng có chưa đến 100 nhân sự bao gồm cả phi công, quản lý và công nhân. Phải đến năm 2002, sau khi Deutsche Post (Tổng công ty Bưu điện Đức – tương tự VNPost ở Việt Nam) đã hoàn tất thủ tục mua lại DHL và bắt đầu sử dụng thương hiệu DHL trong các thương vụ hợp nhất, phát triển trên toàn cầu. Sự tăng trưởng của DHL Group không đơn thuần là cung ứng dịch vụ cho nhóm khách hàng sẵn có, họ liên tục mở rộng dịch vụ, mạng lưới hoạt động và thâu tóm đối thủ. Chẳng hạn, cái tên DHL Supply Chain vốn đình đám ở Việt Nam bắt nguồn từ thương vụ Deutsche Post DHL Group mua lại Công ty Logistics Excel (Hoa Kỳ) vào năm 2006 và bắt đầu gia nhập thị trường Contract Logistics từ đó. Nhưng nên nhớ, ngay cả với DHL Group thì vẫn có những năm tăng trưởng âm.



Quan trọng là sự tăng trưởng ổn định lâu dài
Ngay cả DHL Group cũng có những giai đoạn tăng trưởng âm

Nếu nhìn vào biểu đồ doanh số của DHL Group (nguồn: Statista), có thể thấy những năm 2007 - 2009 (phải chăng liên quan đến giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới trong giai đoạn này?), 2016 (phải chăng liên quan đến những biến bố kinh tế lớn trong năm: thị trường chứng khoán Trung Quốc đỏ rực, đồng nhân dân tệ xuống giá mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, OPEC cắt giảm sản lượng lần đầu từ năm 2008 để phản ứng với giá dầu giảm sâu về mức 50 USD/thùng do sự cảnh tranh của Dầu đá phiến từ Mỹ, sự kiện Brexit,..?). Nghĩa là kể cả với những bộ óc thông minh nhất trong ngành, trận địa vô đối về hạ tầng logistics, những chiến binh thiện chiến được đào tạo bài bản của Tập đoàn DHL thì vẫn có những năm không đạt chỉ tiêu tăng trưởng.


ĐỂ CÔNG TY LOGISTICS ĐẠT MỨC TĂNG TRƯỞNG HAI CHỮ SỐ?


Có một thực tế ít người dám thừa nhận: Công ty dịch vụ logistics không tự quyết định được doanh số của mình, kể cả đó là DHL vĩ đại. Nếu Bạn là chủ một nhà máy sản xuất Sữa, Bạn đặt ra chỉ tiêu 1,000 tỷ, thì chỉ cần đơn giản là khi đạt doanh số này, Bạn tự quyết định ngừng bán, cho nhân viên đi chơi, là xong và con số 100% chỉ tiêu hay không do Bạn tự quyết định. Còn với công ty dịch vụ Logistics, chúng ta phụ thuộc vào lưu lượng hàng hóa: dòng chảy hàng hóa nhiều thì doanh thu được nhiều nhưng gặp mùa hàng “khô hạn” thì anh em ngồi nhìn nhau thôi, rất khó xoay trở. Thế nên, từng có lãnh đạo công ty Logistics nói về hy vọng doanh thu 20,000 tỷ đồng hồi đầu năm 2023 thì đó cũng là một giấc mơ chính đáng nhưng cơ sở thực hiện thì mình tin là không ai dám nói ra (lộ hết thì sao, 😊). Vậy làm sao để Công ty Logistics đạt được mức tăng trưởng dương hai con số?


Nguyên tắc cơ bản của doanh nghiệp là Có lợi nhuận. Công ty tốt/tăng trưởng thì sẽ có tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thị trường mà doanh nghiệp đó hoạt động, chứ không phải dựa trên kỳ vọng của chính công ty, nghĩa là: Bạn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15% nhưng nếu mức tăng trưởng của nhu cầu thị trường là 30% thì Bạn vẫn chưa phải là công ty tốt dù có thể đạt chỉ tiêu đề ra. Vấn đề là, thị trường dịch vụ logistics rộng lắm, chỉ có lòi thông tin quy mô thị trường ra một phần ở phía “đầu nguồn” gồm công bố thông tin từ các Hãng tàu – Cảng – số liệu Xuất nhập khẩu (thường phải công bố lưu lượng hàng hóa thông qua Cảng và rất nhiều hãng tàu là Công ty Đại chúng, dữ liệu công bố của Hải Quan các nước) và “cuối nguồn” gồm công bố thông tin của các Sàn thương mại điện tử, Siêu thị, công ty Chuyển phát nhanh, các Công ty sản xuất hàng tiêu dùng niêm yết. Còn các công ty ở đoạn giữa giữa như Freight forwarding, Contract Logistics sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đánh giá quy mô thị trường, sự tăng trưởng của thị trường. Kể cả khi Bạn là Công ty Logistics đang phục vụ cho những tên tuổi rất lớn như Vinamilk, Masan,.. thì Bạn có dám dựa trên mục tiêu tăng trưởng của khách hàng làm chỉ tiêu tăng trưởng dịch vụ logistics của Bạn không? Thế nên, chuyện gì dễ chúng ta cứ làm trước, doanh số năm ngoái của Công ty mình dễ thấy nhất, cứ cộng thêm tỷ lệ tăng trưởng dương 2 chữ số thì không cổ đông nào có ý kiến đâu, hạ hồi tính sau!


Phân tích theo từng trục giúp chúng ta hoạch định kế hoạch tốt hơn
Mô hình tăng trưởng của Công ty dịch vụ Logistics

Có một điều thú vị là chính DHL chia sẻ công thức để cho Công ty Logistics tăng trưởng, bao gồm 3 trục chiến lược:

  • Tăng trưởng bằng cách mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ (ví dụ, trước giờ phát triển khu Bắc Ninh – Bắc Giang – Hải Dương – Hải Phòng thì mở thêm mạng lưới ở Bình Dương – Đồng Nai – Tp.HCM).

  • Tăng trưởng bằng cách gia tăng dịch vụ cho khách hàng (ví dụ, trước giờ cung cấp dịch vụ vận tải thì giờ mở thêm dịch vụ kho bãi).

  • Tăng trưởng bằng cách mở rộng ngành nghề sản phẩm vì mỗi ngành nghề có đặc thù logistics khác nhau (ví dụ, trước giờ mạnh ở trong ngành Thủy hải sản đông lạnh thì giờ mở rộng thêm cho ngành Trái cây đông lạnh).

Việc phân nhóm theo mô hình không gian này giúp xác định rõ ràng vùng tăng trưởng của doanh nghiệp dịch vụ logistics vì ta có nhiều dữ liệu gián tiếp hơn về thị trường để phỏng đoán: dữ liệu về nhu cầu logistics theo địa phương, dữ liệu về sản lượng XNK – tiêu dùng theo nhóm mặt hàng và dữ liệu về số lượng đơn vị có cung cấp một dịch vụ logistics cụ thể.


Hy vọng với những nội dung chia sẻ nói trên, chúng ta có cái nhìn công tâm hơn về kết quả của năm 2023 và chuẩn bị tốt hơn cho năm 2024 sắp tới.


Trân trọng và Yêu thương,


211 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page